Hội chứng ống cổ tay hay còn gọi là hội chứng đường hầm cổ tay hoặc hội chứng chèn ép thần kinh giữa, là một tập hợp các triệu chứng của một bệnh thần kinh ngoại biên, phụ nữ mắc bệnh nhiều hơn nam giới, do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên trong dó có nguyên nhân nghề nghiệp như những người văn phòng phải làm việc bằng tay liên tục duy trì ở một tư thế cố định nào đó trong một thời gian dài.
Bs.Nguyễn Phú Luyện – CK Ngoại PK An Khang
I. Đặt vấn đề
Là hội chứng do thần kinh giữa bị chèn ép ở vùng cổ tay, phần lớn là vô căn, thần kinh giữa bị dây chằng ngang cổ tay chèn ép khi nó đi qua dưới sợi dây chằng này, làm đau, tê và yếu bàn tay. Hội chứng ống cổ tay tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng về lâu dài nếu chậm chữa trị hoặc không điều trị có thể gây tàn tật, teo cơ do tổn thương thần kinh và mạch máu, làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, nhất là đối với bàn tay thuận.
I. Nguyên nhân gây bệnh
Có nhiều nguyên nhân làm hội chứng ống cổ tay nặng lên, bao gồm:
– Di truyền là yếu tố quan trọng nhất, chẳng hạn ở một số người có ống cổ tay nhỏ hơn người khác và đặc điểm này có thể mang yếu tố gia đình.
– Những người vận động cổ bàn tay lặp đi lặp lại như: đánh máy, nội trợ, lái xe, vẽ, chơi dương cầm, viết nhiều. Một số lao động dùng các dụng cụ có độ rung như máy đầm đường.
– Thay đổi nội tiết tố liên quan đến thai kỳ.
– Người lớn tuổi.
– Yếu tố bệnh lý (bệnh đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp, suy tuyến giáp, bệnh gút).
– Hầu hết hội chứng ống cổ tay không có nguyên nhân duy nhất.
– Hội chứng ống cổ tay có thể nặng lên trong các trường hợp vận động cổ bàn tay lặp đi lặp lại như ở người đánh máy, lái xe…
I. Triệu chứng
– Các triệu chứng thường bắt đầu từ từ mà không có một chấn thương cụ thể hầu hết trong tất cả trường hợp.
– Các triệu chứng phổ biến của hội chứng ống cổ tay bao gồm: tê, dị cảm và đau bàn tay; có cảm giác như châm chích chủ yếu ở ngón tay cái, ngón trỏ, ngón giữa và 1/2 ngón đeo nhẫn; cảm thấy đau lan lên cánh tay, vai.
– Các triệu chứng có thể xảy ra bất cứ lúc nào, triệu chứng thường xảy ra khi đang cầm nắm một vật gì đó, như điện thoại hoặc khi đọc sách hay lái xe… (di chuyển hoặc lắc tay có thể làm giảm các triệu chứng này). Theo thời gian, các triệu chứng xuất hiện nhiều hơn và nặng hơn, bệnh nhân cảm giác bàn tay trở nên vụng về, yếu và mất tinh tế như khó viết, khó cài khuy áo… Tình trạng này có thể khiến bệnh nhân đánh rơi đồ vật đang cầm trên tay, để lâu sẽ xuất hiện teo cơ ở gò cái bàn tay (ô mô cái)
II. Điều trị
Bệnh nhân phải được đo điện cơ (EMG) để được chẩn đoán xác định.
Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, hội chứng ống cổ tay có thể thuyên giảm mà không cần phẫu thuật.
Trong trường hợp chẩn đoán mức độ nhẹ và trung bình, bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp điều trị đơn giản đầu tiên:
– Nẹp vải trong lúc ngủ sẽ giữ cổ tay ở vị trí trung tính tránh để cổ tay bị cuộn tròn trong lúc ngủ.
– Dùng các thuốc đơn giản có thể giúp giảm đau, như kháng viêm (NSAID), Ibuprofen …
– Thay đổi hoạt động ở bàn tay để tránh các vị trí và cử động làm trầm trọng thêm triệu chứng.
– Tiêm corticoid có thể làm các triệu chứng mất đi trong một thời gian (nhưng thường sẽ tái phát).
Trong những trường hợp nặng, các bác sĩ sẽ cân nhắc việc phẫu thuật (mổ hở hay mổ nội soi) để ngăn chặn tình trạng tổn thương thần kinh không hồi phục.